Áp xe phổi theo Đông Y

Áp xe phổi

Tìm Hiểu: Áp xe phổi còn được gọi là phế ung – lung abcess của đông y là một loại bệnh có trạng thái phổi có mủ. Với chứng trạng lâm sàng rõ nhất là bị sốt, ho kèm ngực tức, có khi ho ra mủ và máu.

  • Theo Chương thứ 8 Phế Nuy, Phế Ung, Khái Nghịch Mạch Chứng Tịnh Trị (Kim Qũy Yếu Lược) ghi: “Ho mà ngực đau, rét run, mạch Sác, họng khô, không khát, ói ra đàm đục, hôi thối, lâu lâu lại ói ra mủ như nước cháo, đó là chứng Phế Ung”.
  • Theo YHHĐ, chứng phế ung thường gặp trong các chứng phế lở loét, có mủ, phế viêm hóa mủ, ung thư phổi, phế quản dãn, phế quản viêm mạn…
  • Theo sách ‘Thiên Kim Phương’, có thể dùng Đậu nành (Hoàng đậu) để kiểm tra và theo dõi diễn tiến chứng Phế Ung như sau:
    • Kiểm Tra: cho người bệnh nhai đậu nành, nếu cảm thấy có vị thơm ngọt thường là bị áp xe phổi, nếu người bệnh cảm thấy có vị tanh hôi thì thường không phải là bệnh áp xe phổi.
    • Theo dõi diễn tiến bệnh: sau khi được điều trị một thời gian, nếu người bệnh nhai đậu nành mà cảm thấy tanh không thể nuốt được là bệnh đã diễn biến tốt, có thể cho ngừng thuốc được rồi. Trái lại nếu vẫn cảm thấy vị thơm ngọt thì bệnh chưa hết, phải điều chỉnh lại phương pháp điều trị cho thích hợp.

ap-xe-phoi-theo-dong-y

Nguyên Nhân

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh áp xe phổi là do cảm nhiễm ngoại tà. Theo đông y thì phong nhiệt độc, phong hàn hóa nhiệt uất kết lại ở phế, nung nấu phế khiến phế khí không thông, nhiệt ủng, huyết ứ kết lại thành ung.

  • Thiên ‘Phế Nuy Phế Ung Khái Thấu Thượng Khí Bệnh Mạch Chứng Tịnh Trị’ (Kim Quỹ Yếu Lược) viết: “Phong vào phần Vệ thì thở ra được, không hít vào được. Nhiệt nhiều ở phần Vinh thì hít vào được nhưng thở ra không được. Phong làm tổn thương bì mao, nhiệt làm tổn thương huyết mạch. Phong lưu ở Phế, người bệnh ho, miệng khô, suyễn đầy, họng khô, không khát, khạc ra nhiều đàm đặc, thường bị rét run. Nóng quá huyết ngưng trệ chứa kết lại thành mủ”… Cho thấy chứng Phế ung do phong nhiệt làm tổn thương Phế.
  • Sách ‘Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận’ viết: “Chứng Phế ung, do phong hàn làm tổn thương Phế, khí kết tụ lại gây nên… Khí bị hư, hàn thừa cơ hư làm tổn thương Phế, hàn làm cho huyết ngưng trệ, uẩn kết lại thành ung, nhiệt tăng lên, nhiệt tích không tan đi huyết bị bại hóa thành mủ”.
  • Sách ‘Loại Chứng Trị Tài’ viết: “Chứng Phế ung, do cảm phải phong hàn…”.
  • Sách ‘Y Học Cương Mục q19’ viết: “Chứng Phế ung, do ăn uống thức ăn cay, nóng, thức ăn nướng, hoặc uống rượu nóng, táo nhiệt làm tổn thương Phế gây nên bệnh, cần trị sớm”.
  • Sách ‘Thọ Thế bảo Nguyên’ viết: “ Do điều lý thất thường, lao nhọc làm tổn thương chính khí, phong hàn thừa cơ lấn lên, phong sinh nhiệt, uẩn tích lại không tan gây nên chứng Phế ung”.

Nguyên Tắc Điều Trị

Áp xe phổi là bệnh đàm nhiệt ủng trệ, thuộc thực chứng, vì vậy đa số dùng phép Thanh Phế giải độc làm chính, không nên dùng thuốc bổ quá sớm. Nếu để bệnh đã thành mủ, nên dùng phép thanh nhiệt giải độc, tiêu mủ, tán kết.

Việc trở nặng làm khó thở, khan tiếng, lượng mủ máu nhiều mà hôi, móng tay chân tím tái… đó là chứng rất nặng cho nên phối hợp với y học hiện đại để điều trị tích cực để khỏi bệnh sớm.

Còn ho, nôn ra máu lượng ít, kéo dài không dứt, sốt về chiều, tâm phiền, miệng họng khô, mồ hôi trộm hoặc tự ra mồ hôi, hơi thở ngắn, gầy ốm, chất lưỡi đỏ tía, lưới ít rêu, mạch Hư, Sác là dấu hiệu khí âm quá hao tổn, nhiệt độc chưa dứt. Điều trị nên phù chính, khu tà.

Trong phép dường Phế, tư âm, nên phối hợp các vị thuốc tiêu mủ, giải độc. Có thể chọn dùng bài Cát Cánh Hạnh Nhân Tiễn gia giảm. Nếu tà khí hư, chính khí khôi phục dần dần, chuyển sang thời kỳ hồi phục, cơ thể bớt nóng, ho giảm nhẹ, đờm ít… mạch Tế không lực, nên dùng phép dưỡng khí âm, thanh đờm nhiệt, trừ dư tà.

Triệu Chứng Lâm Sàng

Trên lâm sàng, bệnh áp xe phổi thường phát triển theo ba giai đoạn như sau:

I- Giai đoạn khởi phát:

Nguyên Nhân: Do phong nhiệt xâm nhập vào Phế, làm tổn thương huyết mạch, huyết bị nhiệt nung đốt gây ra thối thịt, kết lại thành mủ.

Triệu chứng: Ho đàm dính, vùng ngực đau tức, sợ lạnh, sốt, có khi ho nhiều, khó thở, miệng khô, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch Phù Hoạt mà Sác ( NKT.Hải), mạch Sác Thực (NKT.Đô).

Biện Chứng:

  • Sợ lạnh, phát sốt: do phong nhiệt xâm nhập vào Phế, tà khí và chính khí tranh nhau gây ra.
  • Ho, ngực đau, khó thở: do nhiệt độc nung nấu Phế làm cho Phế mất chức năng tuyên thanh.
  • Đàm dính, miệng khô, mạch Sác dấu hiệu của nhiệt độc.
  • Rêu lưỡi vàng mỏng, mạch Phù là dấu hiệu phong nhiệt từ phần biểu vào phần lý.

Điều trị:

  • Sơ tán phong nhiệt, thanh Phế, hóa đàm
  • Dùng bài Ngân Kiều Tán (Ôn Bệnh Điều Biện) gia giảm
Bạc hà 8 Cát cánh 8 Đậu xị 8 Liên kiều 8
Lô căn 8 Kinh giới tuệ 6 Trúc diệp 6 Kim ngân hoa 12
Ngưu bàng tử 12 Cam thảo 4

(Kim ngân hoa, Liên kiều, để sơ tán phong nhiệt; Bạc hà, Cát cánh, Đậu xị, Kinh giới, Ngưu bàng tử để tuyên thông Phế khí, Lô căn, Trúc diệp để thanh nhiệt, sinh tân dịch).

Nếu đau đầu ta có thể thêm Cúc hoa, Mạn kinh tử, Thanh diệp để giải phong nhiệt, làm nhẹ đầu, sáng mắt. Ho nhiều kèm đàm nhiều thêm thành phần Bối mẫu, Hạnh nhân, Qua lâu để giảm ho, hóa đàm.

Nhiệt làm tổn thương tân dịch: thêm Sa sâm (Huyền sâm), Thiên môn (Thạch hộc), Thiên hoa phấn để nhuận Phế, sinh tân. Ngực đau nhiều: thêm Uất kim, Đào nhân để thông kinh, tán ứ, giảm đau.

Sách ‘Nhật Bản Hán Y Danh Phương Tuyển’ dùng 3 bài sau:

  • Phế Ung Thang: Bạch giới tử 2g, Bối mẫu 4g, Cát cánh 4g, Cam thảo 2g, Hạnh nhân 4g, Hoàng cầm 4g, Qua lâu căn 2g. Sắc uống.
  • Vi Kinh Hợp Tứ Thuận Thang: Bối mẫu 4g, Cam thảo 2g, Cát cánh 2g, Đào nhân 4g, Đông qua tử 4g. Tử uyển 2g, Vĩ kinh 4g, Ý dĩ nhân 8g. Sắc uống.
  • Sài Hồ Cát Cánh Gia Đình Lịch Thang: Bán hạ 6g, Cam thảo 2g, Cát cánh 4g, Chỉ thực 2g, Đình lịch tử 2g, Hoàng cầm 4g, Qua lâu nhân 4g, Sài hồ 6g, Sinh khương (khô) 2g. Sắc uống.

II- Thời kỳ nung mủ

Triệu chứng: Sốt cao, ra mồ hôi, không sợ lạnh, ho, thở gấp, ngực đầy, tức, nôn ra đờm dãi tanh hôi hoặc mủ máu, miệng khô, họng khô, rêu lưỡi vàng dầy, mạch Hoạt Sác.

Biện chứng: Sốt cao, không sợ lạnh là do nhiệt độc cao, tà khí và chính khí giao tranh, nhiệt bị bức bách gây nên ra mồ hôi. Đờm nhiệt uất ở Phế gây nên ho, thở gấp, nôn ra đờm mủ máu, ngực đau tức. Tân dịch bị hao tổn nên miệng khô, họng khô. Rêu lưỡi vàng dầy, mạch Hoạt, Sác là do nhiệt độc uất kết trong thời kỳ nung mủ.

Điều Trị:

  • Thanh nhiệt, giải độc, hóa ứ, tán kết
  • Thiên Kim Vi Hành Thang (Thiên Kim Phương)
Đào nhân 12 Đông qua nhân 12 Kim ngân hoa 12 Áp chích thảo 8
Vĩ kinh 40 Ý dĩ nhân 20 Liên kiều 8 Ngư tinh thảo 16

**Giải thích bài thuốc: dùng Vi hành để thanh nhiệt, tuyên Phế, Đào nhân, Đông qua nhân, Ý dĩ để hóa trọc, trừ ứ, tán kết; Áp chích thảo, Kim ngân hoa, Liên kiều để thanh nhiệt giải độc

Nếu nhiệt nhiều thêm Chi tử, Hoàng cầm, Thạch cao, Tri mẫu. Ói ra đàm đục, suyễn: thêm Đình lịch tử, Tang bạch bì.

Bài thuốc đơn giản: bài sinh Hoàng Đậu Tương với thành phần gồm: Hoàng đậu (Đậu nành) trọng lượng từ 40-100g, đem rửa sạch và ngâm nước cho nở ra, xay nhuyễn với nước, lọc bỏ bã thành nước đậu sống. Điều trị hằng ngày uống 3 lần, mỗi lần khoảng 200ml (Thiên Gia Diệu Phương) sẽ nhanh thuyên giảm bệnh.

III- Giai Đoạn Vỡ Mủ

a- Triệu chứng: Cơ thể sốt cao, ra mồ hôi, không sợ lạnh, ho, thở gấp, ngực đầy, tức, nôn ra đờm dãi tanh hôi hoặc mủ máu, miệng khô, họng khô, rêu lưỡi vàng dầy, mạch Hoạt Sác.

b – Biện Chứng:

  • Ói ra đàm lẫn mủ, máu, tanh hôi: do mủ vỡ ra trong Phế.
  • Ngực đầy, đau, thở khó (suyễn), không nằm được: do Phế khí bị ủng tắc không thông.
  • Phiền khát, thích uống: do nhiệt độc nung đốt làm cho Phế Vị âm bị tổn thương
  • Chất lưỡi đỏ, mạch Hoạt Sác: dấu hiệu nhiệt độc quá thịnh.

c – Điều Trị:

  • Bài nùng, giải độc, thanh nhiệt, sinh tân.
  • Phương: Cát Cánh Thang hợp Thiên Kim Vi Hành Thang
Bại tương thảo 8 Cam thảo 24 Cát cánh 50 Đông qua nhân 50
Hoàng cầm 24 Kim ngân hoa 24 Liên kiều 24 Qua lâu 24
Ý dĩ nhân 24 Ngư tinh thảo 50 Vi căn 50

(Dùng Bại tương thảo, Hoàng cầm, Qua lâu, Vi hành để thanh nhiệt, tuyên Phế; Cát cánh hỗ trợ tác dụng tuyên Phế, Đào nhân, Đông qua nhân, Ý dĩ để hóa trọc, trừ ứ, tán kết; Áp chích thảo, Kim ngân hoa, Liên kiều để thanh nhiệt giải độc).

Bài thuốc theo Tư Âm Giải Độc Thang ((Sơn Tây Trung Y Tạp Chí)

Huyền sâm 15 Ngân hoa 10 Bồ công anh 10 Lô căn 10
Tử hoa địa đinh 10 Bại tương thảo 10 Cát cánh 10 Thiên môn 10
Mạch môn 10 Thiên hoa phấn 10

Đối tượng trẻ nhỏ bị áp xe phổi khi dùng bài thuốc này đã trị 11 ca đều chấm dứt bệnh.

HÓA NÙNG TÁN (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Bối mẫu 40g, Cát cánh 40g, Cam thảo 5g. Tán thành bột. Mỗi lần dùng 5g, ngày 3 lần. Uống với nước sắc Ý dĩ.

⇒ Tác dụng: Thanh nhiệt, tán kết, lợi khí, bài nùng. Trị Phế nhiệt, ho ra đờm mủ.

VÂN MẪU CAO (Lý Luận Biền Văn): Vân mẫu, Hỏa tiêu, Cam thảo đều 128g, Hòe chi, Tang bạch bì, Liễu chi, Trắc bá diệp. Cát cánh bì đều 64g, Bạch chỉ, Một dược, Xích thược, Nhục quế, Hoàng kỳ, Huyết kiệt, Đương quy, Bồ hoàng, Bạch cập, Xuyên khung, Bạch vi, Mộc hương, Phòng phong, Hậu phác, Cát cánh, Sài hồ, Đảng sâm, Thương truật, Hoàng cầm, Long đởm thảo, Hợp hoan bì, Nhũ hương, Phục linh đều 15g. Chưng với dầu Mè, thêm Hoàng đơn, Tùng hương 32g, trộn cho đều thành cao. Dùng để đắp bên ngoài.

⇒ Tác dụng: Thanh Phế, hóa đờm, tiêu ứ, bài nùng kiêm bổ hư. Trị Phế ung.

PHẾ UNG TÁN (Tinh Độc Đường Tổ Truyền Bí Phương): Ngư tinh thảo, Kim ngân hoa, Đông qua nhân, Bản lam căn đều 30g, Cát cánh, Xuyên bối mẫu, Đào nhân, Hoàng cầm, Hoàng liên đều 15g, Cam thảo 10g. Tán nhuyễn. Mỗi lần uống 10g, ngày 3 lần.

⇒ Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, lợi Phế, bài nùng. Trị Phế ung.

Áp xe phổi

BÀI THUỐC HAY CHỮA BỆNH ÁP XE PHỔI

Bài thuốc thanh nhiệt bài nùng thang:

  • Biện chứng đông y: Ngoại cảm phong ôn bệnh độc, bệnh tà tập kết tại phế tổn thương huyết mạch, huyết bị nhiệt đốt mà sinh thối thịt thành ung mủ.
  • Cách trị: Thanh nhiệt giải độc, khử đờm bài mủ.
  • Đơn thuốc: Thanh nhiệt bài nùng thang.
  • Công thức: Đông qua tử 30g, Ngân hoa 30g, Công anh 30g, Sinh ý mễ 30g, Tiên lô cǎn 60g, Cát cánh 10g, Đơn bì 10g, Chỉ thực 10g, Đình lịch tử 10g, Xuyên bối 10g, Đào nhân 10g, Tô tử 10g, Hoàng cầm 15g.

⇒ Điều trị: Với bài thuốc trên sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia đều làm 2 lần để uống.

Hiệu quả lâm sàng: Thôi XX, giới tính nam, 45 tuổi, sốt cao, ho, nôn ra đờm dính có mủ, mùi hôi thối, ngực đau, thở gấp, miệng khát, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hoạt sác hữu lực. Chẩn đoán là phế ung (áp xe phổi). Cho uống \”Thanh nhiệt bài nung thang\”. Sau 2 tháng thì các chứng đều giảm, duy đờm cẫn còn mùi thối. Lại theo bài đó tiếp tục uống 5 thang, các chứng đều hết, khỏi bệnh nhanh.

Bài thuốc phức phương ngư cát thang:

  • Biện chứng đông y: Tà nhiệt ẩn ở phế, uất lâu không giải được, phổi thối rữa thành mủ.
  • Cách trị: Thanh nhiệt giải độc, khử đờm trừ mủ.
  • Đơn thuốc: Phức phương ngư cát thang.
  • Công thức: Ngư tinh thảo 30g, Cát cánh 15g, Kim ngân hoa 30g, Cam thảo 5g, hoàng cầm 10g, Đào nhân 10g, Đông qua nhân 30g, Sinh dĩ nhân 30g, Tượng bối mẫu 10g.

⇒ Điều trị: sắc uống, mỗi ngày 1 thang, người bệnh nặng mỗi ngày 1 thang. Người nhiệt nặng có thể thêm Hoàng liên 10g, người chính hư có thể thêm Hoàng kỳ 15g.

Hiệu quả lâm sàng: Theo dõi điều trị 40 ca phần lớn có kết quả rất tốt. Hoạn XX, nữ, 19 tuổi, công nhân. Vì sốt, ho đau ngực 4 ngày mà vào viện. Xét nghiệm bạch cầu 12.000/mm3, trung tính 83%. Chụp X quang thấy: phía trên phổi trái có một đám mờ lớn, ở giữa là vùng trong suốt và mặt dịch phẳng. Chẩn đoán áp xe phổi trái. Sau khi vào viện nhiệt độ còn liên tục cao 39-40oC, ho kịch liệt, đờm khạc ra như mủ, kém ǎn, miệng khô khát, đại tiện bí kết, lưỡi đỏ, chất lưỡi vàng nhạt bẩn, mạch hoạt sác. Sử dụng bài thuốc phức phương ngư cát thang.

Với phương thức điều trị là uống thuốc 1 tuần, giảm sốt dần, sau 10 ngày thân nhiệt xuống bình thường. Ho và đờm mủ giảm bớt. Lại uống thuốc trên 2 tuần nữa, các chứng trạng lâm sàng đều hết. Kiểm tra lại bằng X quang: Viêm ở phía trên phổi trái có hấp thu rõ ràng, mặt dịch phẳng không còn. Lại dùng bài thuốc trên có gia giảm điều trị 2 tuần nữa. Chụp X quang kiểm tra lại: viêm ở phía trên phổi trái đã hấp thu duy còn hang chưa hoàn toàn khép kín. Nói chung tình hình người bệnh tốt được xuất viện. Hai tháng sau kiểm tra lại, không thấy còn hang ở phía trên phổi trái.

Bài thuốc sinh hoàng đậu tương:

  • Biện chứng đông y: Thấp nhiệt nội uẩn, nhiệt độc làm thương phế.
  • Cách trị: Thanh nhiệt giải độc, trừ đàm hóa ứ.
  • Đơn thuốc: Sinh hoàng đậu tương.
  • Công thức: Hoàng đậu (vừa đủ). Rửa sạch, ngâm vào nước cho nở ra, xay nhuyễn với nước, lọc bỏ bã đậu là được sữa đậu nành sống. Mỗi ngày uống 3 lần mỗi lần chừng 300 ml (khi cảm thấy vị tanh của đậu tương không nuốt được nữa thì thôi, trẻ em giảm liều).

Hiệu quả lâm sàng: Điền XX, nam, 58 tuổi, nông dân. Ho, khạc đờm, ngực đau gần nửa nǎm. Lúc đầu sốt lạnh, sườn đau nhức, ho thì rất đau, có lúc nôn ra đờm dính, bệnh kéo dài, khạc ra một lượng lợn máu mủ, mùi tanh tưởi lạ lùng, thân thể gầy gò, sắc mặt tiều tụy, miệng hầu khô, rêu lưỡi vàng bẩn, mạch hoạt sác.

Bảo người bệnh nhai đậu tương sống để xem bệnh, người bệnh nhai thì thấy trong miệng có vị ngọt. Dùng bài thuốc sinh hoàng đậu tương được hơn 10 ngày thì lượng mủ giảm đi đáng kể, giảm sốt và cơ thể ǎn được nhiều hơn. Sau khi uống thuốc 20 ngày, bệnh nhân cảm thấy vị tanh của đậu tương khí có thể nuốt được nên ngừng uống. Sau đó các chứng đều giảm nhanh, khỏe dần. Theo dõi chưa thấy bệnh tái phát.

Bàn luận: ứng dụng bài thuốc sinh hoàng đậu tương để trị áp xe phổi trong thực tế thấy là khá thích hợp trong thời kỳ mưng mủ và vỡ mủ. Lúc này áp xe vỡ mủ, thân nhiệt gần như bình thường nhưng khạc ra nhiều máu mủ, thân thể hư nhược. Sữa đậu nành sống có tác dụng khử đàm tống mủ ra thanh nhiệt giải độc, cầm máu sinh cơ, bổ phế phù chính.

Chẳng những sinh hoàng đậu tương có thể trị áp xe phổi trong điều kiện nông thôn, mà còn có thể là một phươg tiện để chẩn đoán: tức là nếu bệnh nhân nhai sinh hoàng đậu thấy vị thơm ngọt thì phần lớn là áp xe phổi, thấy vị tanh hôi thì phần lớn không phải là áp xe phổi. Đó chỉ kinh nghiệm chưa có cơ sở khoa học.

Theo thông tin các nơi thì trên lâm sàng có thể điều trị áp xe phổi bằng ngư tinh thảo, có tên Ngư tinh thảo là vì có vị tanh của nó. Sinh hoàng đậu tương khí vị cũng tanh, trị áp xe phổi tác dụng khá, hai vị thuốc này có mối quan hệ gì không, còn đợi nghiên cứu. Ngoài ra Đông qua tử, Qua lâu tử, Bại tương thảo, Cát cánh, đều cùng có vị tanh, công hiệu trị áp xe phổi của các loại này đều cần được nghiên cứu.

Tuệ Tĩnh Đường – Tinh Hoa Y học Cổ Truyền

Trả lời

.
.
.
.